Lượt xem: 900

Sóc Trăng phát triển vùng trồng sầu riêng hướng đến xuất khẩu

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 900 hecta trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu tại huyện Kế Sách. Giá trị kinh tế dù cao hơn so một số loại cây trồng khác nhưng sự phân bố với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu trồng theo hình thức xen canh với vườn tạp nên hiệu quả mang lại chưa đạt như mong muốn. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đang triển khai một số giải pháp, từng bước hình thành vùng trồng chuyên canh, canh tác theo hướng sạch; tạo điều kiện để trái sầu riêng Sóc Trăng sớm có cơ hội xuất khẩu thay vì chỉ bó hẹp trong thị trường nội địa. Xu hướng chuyển đổi này nhận được sự đồng tình cao của nhiều nhà vườn.

 


Vườn sầu riêng cải thiện về năng suất và chất lượng nhờ canh tác theo hướng VietGAP.

 

    Là một trong những nhà vườn có diện tích trồng  cam sành lớn nhất ở khu vực ấp 5B, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách; đến đầu năm 2015, khi cam sành bắt đầu “suy cây, suy luôn cả giá”, ông Nguyễn Văn Câu quyết định chuyển đổi 50% đất trồng cam sang trồng sầu riêng. Bảy năm chuyển đổi, ba năm thu trái, trung bình 200 cây sầu riêng có thể thu được trên 20 tấn trái mỗi vụ, giá bán dù ở thời điểm thu hoạch rộ cũng đạt mức trên 35 nghìn đồng/1kg. Từ hiệu quả kinh tế này mà hiện nay toàn bộ diện tích trồng cam còn lại cũng đang bắt đầu được ông Câu đốn bỏ để hình thành vườn trồng độc canh cây sầu riêng. Ông Câu bộc bạch: “Vài bữa nữa thôi sẽ đốn bỏ hết diện tích cam sành còn lại để trồng sầu riêng cho vững chắc luôn. Như vậy khi mình chăm sóc hay xịt thuốc cũng dễ hơn. Sầu riêng này thì giá cả hay đầu ra đều đạt hơn các cây khác, chứ trồng cam sành khi giá nó xuống rồi thì muốn bán cũng khó khăn”.

    Vốn được xem là vùng trồng sầu riêng trọng điểm của tỉnh Sóc Trăng, thay vì tiêu thụ nội địa như trước nay, khi đã hội tụ đầy đủ nhiều yếu tố về tiềm năng thổ nhưỡng, về kinh nghiệm sản xuất,... nhà vườn trồng sầu riêng tại Xuân Hòa lại mang một tham vọng to lớn hơn: “sầu riêng phải được trồng để xuất khẩu”. Từ mong muốn này, nhiều bà con đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác để cây sai trái hơn, đạt chất lượng hơn. Hợp tác xã trồng sầu riêng Xuân Hòa đã tiên phong trong hình thức chuyển đổi này. Theo đó, toàn bộ 30 hecta trồng sầu riêng đã được các thành viên đầu tư thiết bị tưới nước tiết kiệm và hệ thống phun thuốc tự động. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn thực hành trồng sầu riêng theo hướng VietGAP với niềm hy vọng, thời gian không xa, trái sầu riêng tại vùng đất Xuân Hòa có thể “vượt ao làng” để “xuất ngoại”. Ông Đoàn Út Xuân - Giám đốc Hợp tác xã sầu riêng Xuân Hòa chia sẻ: “Muốn được xuất khẩu thì nhất định phải thay đổi thôi. Ví dụ như lúc trước mình còn xịt thuốc cỏ trong vườn, giờ thì tuyệt đối không xịt nữa, cũng không xài các loại thuốc cấm. Riêng việc đầu tư những hệ thống như tưới nước tiết kiệm hay máy phun thuốc này mặc dù lúc đầu rất tốn kém, nhưng chỉ hai năm sau là xem như mình lấy vốn lại được rồi; mà cây thì phát triển tốt nữa”.

    Từ 300 hecta vào những năm 2016, 2017, đến nay, diện tích trồng sầu riêng trên toàn tỉnh đã phát triển lên đến 900 hecta. Diện tích này được dự báo sẽ còn mở rộng trong thời gian tới bởi những ưu thế nổi bật về hiệu quả kinh tế và sự thuận lợi về đầu ra so với nhiều cây trồng khác. Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP, phát triển kinh tế hợp tác để tập hợp diện tích nhỏ lẻ thành vùng trồng tập trung sẽ là những vấn đề tiên quyết mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tập trung triển khai để khai thác tối ưu hiệu quả từ cây trồng này. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng - Nguyễn Thành Phước cho biết thêm: “Việc hình thành và phát triển các hợp tác xã sẽ tập hợp được nhiều nhà vườn lại với nhau để hình thành một vùng trồng đủ lớn để có đủ điều kiện được cấp mã số. Như vậy doanh nghiệp mới có thể xuất khẩu sầu riêng sang các nước kể cả dễ tính và khó tính. Hiện nay chúng tôi cũng đang tiến hành rà soát, thành lập hợp tác xã để tiến đến việc cấp mã số vùng trồng, để làm được điều này nhất định phải có hợp tác xã chứ không thể chỉ 2,3 nhà vườn là cấp mã số được,...”.


Nhà vườn Kế Sách thu hoạch sầu riêng.

 

    Thiệt hại do xâm nhập mặn trên cây sầu riêng đã được khắc phục rất tốt qua từng năm, nhà vườn trồng sầu riêng cơ bản đã có sự thay đổi tích cực trong việc chuyển đổi canh tác theo hướng sạch, an toàn. Những yếu tố trên cùng với sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy quá trình hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác hay mời gọi công ty, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sau thu hoạch... sẽ là những điều kiện quan trọng bước đầu, để không lâu nữa, cùng với trái vú sữa tím hay trái bưởi 5 roi, sầu riêng sẽ là mặt hàng trái cây kế tiếp của Sóc Trăng có mặt trên thị trường ngoài nước.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 7665
  • Trong tuần: 78,372
  • Tất cả: 11,801,692